Sự kiện

Các vật liệu nâng mũi được sử dụng trong thẩm mỹ hiện nay

vật liệu nâng mũi
Có nhiều loại vật liệu nâng mũi được sử dụng trong thẩm mỹ hiện nay. Tùy thuộc vào tình trạng của khách hàng, loại hình phẫu thuật mà bác sỹ sẽ lựa chọn vật liệu phù hợp nhất.

Đặc tính của của vật liệu nâng mũi lý tưởng

  • Trơ về lý hóa và trung tính về sinh học.
  • Dễ cắt gọt và có thể hấp sấy tiệt trùng.
  • Màu sắc tương hợp với mô.
  • Khả năng chống chấn thương.
  • Khả năng chống nhiễm trùng.
  • Khả năng chống trồi lộ.
  • Không xâm lấn mô xung quanh và dễ lấy bỏ.
  • Dễ tìm kiếm và không đắt tiền.
  • Có thể dùng nâng đỡ cấu trúc và bù đắp khối lương mô tổn khuyết.

    Phân loại vật liệu nâng mũi theo nguồn gốc

    Vật liệu sinh học tự thân (autograft)

  • Mỡ tự thân (autologous fat): có thể nguyên khối mô mỡ hoặc dung dịch mỡ từ thủ thuật hút mỡ.
  • Vạt tổ chức (flap): mô mềm hay mô mềm kết hợp cân mạc, xương, sụn,…
  • Sụn (cartilage): sụn vách ngăn, sụn tai, sụn sườn,…
  • Xương (bone): xương xốp mào chậu, bản xương sọ,…
  • Cân mạc (fascia): cân thái dương, cân cơ ngực lớn, cân cơ đùi,…
  • Trung bì mỡ (dermofat graft): bẹn, mông, bụng dưới,…
  • Vật liệu sinh học dị loại (alloplastic, heterograft)

    Bao gồm trung bì da lợn; ngà voi; sụn sườn bò, vịt,…

    Vật liệu sinh học đồng loại (homograft)

    Sụn sườn đông khô (irradiated cartilage)

    Đây là chất liệu được lấy từ sụn sườn (nguồn xác hiến tặng) qua các quy trình khử trùng mô để loại bỏ các yếu tố miễn dịch, kháng nguyên, vi trùng, virus tiềm ẩn,… mà vẫn bảo tồn tính toàn vẹn sinh hóa và cấu trúc mô tự nhiên của sụn sườn, sau đó sẽ được tiệt trùng bằng tia Gamma và đóng gói vô khuẩn.

    Ngày nay, người ta dùng sụn sườn đông khô đồng loại để làm các vật liệu sử dụng trong các phẫu thuật tạo hình vùng ổ mắt, sụn vành tai, khớp,… Trong tạo hình mũi, sụn sườn đông khô được dùng làm chất liệu để thay thế các khiếm khuyết sụn – xương của vách ngăn, trụ mũi, cánh mũi và sống mũi.

    Với độ cứng cao và tính tương thích sinh học tốt, chất liệu này được sử dụng khá thuận lợi dễ dàng. Tuy nhiên, việc có các phản ứng thải ghép, tự tiêu hay viêm nhiễm cũng có thể xảy ra.

    Cân đùi đồng loại (TPFL)

    Sản phẩm đại diện: Tutoplast và Allosheet.

    Cân đùi (từ nguồn xác hiến tặng) phải qua các quá trình khử trùng mô Tutoplast, gồm các phương pháp kiềm hóa, thẩm thấu và oxy hóa, khử nước bằng dung môi, đóng gói vô trùng kép và cuối cùng là chiếu xạ bằng tia gamma. Các giai đoạn này nhằm mục đích loại bỏ các cấu trúc miễn dịch, kháng nguyên, vi trùng, mà vẫn bảo tồn tính toàn vẹn sinh hóa và cấu trúc mô tự nhiên của cân đùi.

     

    vật liệu tutoplast
    Vật liệu Tutoplast

    Quy trình Tutoplast được áp dụng cho các vật liệu có nguồn gốc từ cân đùi dùng trong ngành chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật bụng, phẫu thuật tạo hình, nhãn khoa và tiết niệu,… Trong tạo hình mũi, TPFL được sử dụng trong độn sống mũi, đầu mũi, tái tạo xoang cạnh mũi và sống mũi.

    Dùng TPFL trong nâng mũi khá an toàn, hiệu quả, dễ tạo hình, dễ thao tác và đặc biệt là cho ra một dáng mũi trơn tru với nguy cơ viêm dị ứng, thải ghép và nhiễm trùng thấp sau phẫu thuật.

    TPFL liên kết được với các mô xung quanh sau phẫu thuật nên tránh tình trạng bao xơ và giảm di lệch chất liệu. Tuy nhiên, tái hấp thu, tự tiêu chất liệu là một nhược điểm lớn nhất của TPFL.
     

    Trung bì da vô bào (ADM)

    Sản phẩm đại diện là: AlloDerm và MegaDerm.

    Chất liệu này được lấy từ da người (từ nguồn xác hiến tặng) thông qua các kỹ thuật xử lý chuyên biệt để loại bỏ lớp biểu bì và các thành phần tế bào của lớp hạ bì có thể gây ra các phản ứng dị ứng, miễn dịch, nhiễm trùng (như các mảnh vụn tế bào, các kháng nguyên và vi rút tiềm ẩn), cuối cùng còn lại các thành phần có trong lớp trung bì trước khi đông khô.

    Sau đó, Alloderm được chiếu xạ Gamma để khử trùng, còn MegaDerm được chiếu xạ chùm tia điện tử trước khi đóng gói vô khuẩn.

    Có nhiều loại ADM đã được giới thiệu để sử dụng làm vật liệu thay thế mô mềm trong phẫu thuật tạo hình như: tạo hình vú, sửa chữa khuyết hổng thành bụng, xử lý bỏng, ghép da,…

     

    Các loại chất liệu trung bì da ADM
    Các loại chất liệu trung bì da ADM

    Trong thẩm mỹ mũi, ADM được dùng làm vật liệu nâng sống mũi hay tạo hình đầu mũi, và rất hữu ích cho việc điều chỉnh sự bất thường vùng sống mũi, cũng như bọc các mảnh ghép tự thân hoặc ngoại lai để giảm khả năng lộ chất liệu, đặc biệt ở những người da mỏng.

    ADM liên kết với các mô xung quanh dưới da sau phẫu thuật nên tránh tình trạng bao xơ và ít di lệch, nó có nhiều kiểu dáng với nhiều kích thước khác nhau nên cũng dễ tạo hình và dễ thao tác. Tuy nhiên, các vấn đề như viêm dị ứng, thải ghép và nhiễm trùng sau mổ vẫn có thể xảy ra, đặc biệt tự tiêu chất liệu sau phẫu thuật là điều khó tránh.
     

    Vật liệu nhân tạo tổng hợp

    Chất liệu Silicon

    Đây là chất liệu được sử dụng từ lâu và hiện vẫn đang được sử dụng phổ biến trên thế giới như: Bistool Softxil, Mantis, bánh sụn Alice, túi ngực mentor hay motiva,…

    Chế phẩm của silicon dùng phổ biến trong tạo hình là Silastic và rất quen thuộc với giới thẩm mỹ vì tạo ra các miếng ghép cấy độn cho các vùng cơ thể (mũi, cằm, má, bắp chân, ngực, mông, v.v…).

     

    Sụn mũi được làm từ silicone
    Sụn mũi được làm từ silicon

    Ngoài những đặc tính chung của silicon, Silastic còn có nhiều ưu điểm thuận lợi cho sử dụng như mềm mại, dai, chắc, dễ thao tác khi phẫu thuật, dễ đẽo gọt chỉnh sửa theo yêu cầu, dễ tạo hình theo hình dạng của cơ quan cần cấy ghép. Nếu kết quả thẩm mỹ chưa hài lòng có thể lấy ra để thay đổi chỉnh sửa dễ dàng.

    Đặc điểm sống mũi bằng chất liệu silicon dẻo:

  • Hiệu quả thẩm mỹ lâu dài, ít phản ứng viêm dị ứng, đào thải hay nhiễm trùng nếu đúng quy trình vô trùng và đúng kỹ thuật phẫu thuật (tỷ lệ dị ứng, viêm nhiễm vào khoảng 1,5-2%)
  • Hình thành bao xơ (capsule) nên không dính với tổ chức lân cận, di động và dễ di lệch sau mổ, nhưng dễ lấy ra để thay thế chỉnh sửa.
  • Vôi hóa (calcification) do lắng đọng calcium trên bề mặt implant hoặc mặt trong của bao xơ làm cho sống mũi gồ ghề có thể nhìn thấy hoặc sờ thấy

    Medpor

    Đây là một chế phẩm của polytetrafluoroethylene (PTFE) (PTFE là một polymer của ethylene (polyethylene) được John Cropper sáng chế năm 1966).

    Năm 1999, Paul O’Keeffe chế tạo PTFE thành vật liệu dạng tấm, khối, có cấu trúc tổ ong với các lỗ nhỏ kích thước 100-250 um, cho phép mô mềm và cả mô sụn xương có thể mọc bám dính vào, có tên thương mại là Medpor, do hãng Porex Surgical sản xuất.

    Medpor được sản xuất thành các vật liệu implant có hình dạng và kích thước khác nhau để thay thế các cấu trúc cơ thể (tai, cằm, thái dương, mũi,…). Vốn có độ cứng tốt nên Medpor thường được dùng thay thế vách ngăn, trụ mũi và cũng có thể tạo hình sống mũi. Tỷ lệ biến chứng của Medpor vào khoảng 19%.

    ePTFE (expanded polytetrafluoroethylene)

    ePTFE là chất liệu tạo ra các sản phẩm như: Surgiform (pureform,…), Gore-Tex, Megaform,…

    Năm 1969, Wilbert L.Gore, Robert Gore và cộng sự (Mỹ) đã nghiên cứu công nghệ kéo dãn PTFE  tạo ra ePTFE, một chất liệu dai chắc xốp với nhiều lỗ nhỏ li ti kích thước 10-30 um, có khả năng chống thấm nước và bay hơi nước, được đăng ký bản quyền sáng chế năm 1976. Năm 1978, chất liệu này được tung ra thị trường với tên thương mại Gore-Tex, có nhiều ứng dụng trong lĩnh vực đời sống.

    ePTFE được Soyer sử dụng lần đầu tiên năm 1972 để nối ghép mạch máu. Năm 1983 được Neel sử dụng trong tạo hình cho vùng mặt. Năm 1993 được FDA cho phép sử dụng trong tạo hình thẩm mỹ. Gore-tex được sử dụng dưới 2 dạng: tấm lưới & khối rắn (dạng tấm lưới có lỗ nhỏ hơn dạng khối và mềm hơn).

    Ban đầu, tạo hình mũi bằng chất liệu ePTFE đi đầu là Gore-tex thường sử dụng dạng khối rắn để có thể đẽo gọt, tạo hình. Sau đó các thanh độn sống mũi silitex được ra đời (bên trong lõi là silicon và bên ngoài phủ lớp màng ePTFE).

    Ngày nay, nhiều nhà sản xuất cho ra đời các thanh độn tạo hình sống mũi với chất liệu toàn bộ là ePTFE (surgiform, megaform,…) có hình dáng và kích thước khác nhau, phù hợp mọi ý muốn của phẫu thuật viên và khách hàng.

    Vật liệu Gortex
    Vật liệu Gortex

    Đặc điểm sống mũi bằng chất liệu ePTFE:

  • Ít bị vôi hóa hơn silicon nhưng khó tạo hình, đẽo, gọt hơn silicon.
  • Có thể nắn chỉnh định dạng sau khi đặt.
  • Không tạo thành bao xơ như silicon dẻo do mô lân cận mọc vào và dính liền với implant nên ít bị vặn xoắn, ít di động hơn và khó lấy ra khi cần.
  • Tuy nhiên với những mũi đã làm (sóng silicon) đã hình thành bao xơ cũ thì khi phẫu thuật lại khó lấy hết bao xơ, nên khi thay vật liệu ePTFE sẽ khó mọc mô lân cận vào để dính liền với implant.
  • Viêm dị ứng và nhiễm trùng cao hơn các vật liệu khác (khoảng 4-5%).

    PCL (Polycaprolacton)

    Sản phẩm được làm từ chất liệu PCL: Osteopore 

     

    pcl-osteopore
    Vật liệu tạo hình vách ngăn Osteopore làm từ PCL

    PCL là một polyester phân hủy sinh học có độ dẻo dai cao và khả năng tương thích sinh học tốt, bền trong nước, dầu, dung môi và clo.

    PCL  phân hủy chậm hơn so với các polyester phân hủy sinh học khác trong điều kiện sinh lý cơ thể người thành H2O và CO2. Đây là chất liệu không độc hại và có thể pha trộn với những polymer khác. Khi kết hợp với nhóm calcium phosphate, PCL có độ bám dính tốt, giúp tăng sinh tế bào diễn ra thuận lợi.

    PCL được ứng dụng nhiều cho y tế như: thay thế xương, phân phối thuốc trong cơ thể, hay chỉ tự tiêu,… Chất liệu PCL được tạo hình với công nghệ 3D Printing thành những mảnh ghép dạng lưới sợi, giống như một giàn giáo sinh học, dùng làm implant thay thế cho sụn hoặc xương bị khiếm khuyết của vùng vách ngăn mũi.

    Vách ngăn (trụ mũi) được tạo hình từ PCL ít biến chứng (nghiêng, gãy, lộ hay thủng ra da) hơn so với Medpor.
     

    Supramid mesh (polyamid)

    Supramid mesh là sản phẩm của Ethicon Sommerveille, New York. Chất liệu này vốn là một organopolymer của E-caprolactam, cấu trúc mềm mại hợp với mô mềm, có chứa hắc tố (black pigment) có khả năng liên kết phát triển với tế bào tổ chức tại chỗ. Tỉ lệ nhiễm trùng 0.8 %, tỷ lệ biến dạng 1.5 %.

    Mersilene mesh (polyethylene)

    Mersilene mesh là sản phẩm của Ethicon Sommerveille, ra đời năm 1950. Sản phẩm là những tấm sợi không tiêu (nonabsorble) 30×30 cm, có thể hấp tiệt trùng. Chất liệu này có tính chất mềm mại, không sờ thấy dưới da.

    Prolene mesh (polypropylene)

    Prolene mesh là sản phẩm của Ethicon Prolene Suppliers, có cấu trúc tấm lưới sợi đan (như chỉ prolene).

    Surgicel (methylcellulose)

    Surgicel cũng là sản phẩm của Ethicon có dạng tấm lưới đan bằng sợi cellulose, không tan. Thường dùng để cầm máu trong phẫu thuật. có thể làm chất liệu độn ghép, mềm mại, an toàn.

     

      Nguồn: https://bsthantronghuyhoang.com/vat-lieu-nang-mui