Ngày nay trong lĩnh vực tạo hình thẩm mỹ, mà đi đầu là tạo hình mũi đã có rất nhiều chất liệu nhân tạo được nghiên cứu, chế tạo và sử dụng để thay thế cho các cấu trúc xương, sụn vùng mũi bị khiếm khuyết do dị tật, bệnh lý, chấn thương hay chủ yếu là do nhu cầu làm đẹp ngày càng phát triển của con người.
Bên cạnh các chất liệu nhân tạo truyền thống như silicone, ePTFE thì gần đây sự xuất hiện của chất liệu PCL được xem là bước đột phá trong công nghệ chế tạo vật liệu y khoa và tạo hình. Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu PCL là gì ngay nhé.
Sơ lược về chất liệu PCL
- PCL (Polycaprolactone) có công thức hóa học là (C6H10O2)n với tên gọi 6-Caprolactone polymer hay thông dụng là Polycaprolactone.
- Chất liệu PCL được tổng hợp từ dầu thô hay qua phản ứng trùng hợp mở vòng ε-caprolacton với xúc tác là thiết octan.
- PCL là một polyester phân hủy sinh học có độ dẻo dai cao và khả năng tương thích sinh học. PCL bền trong nước, dầu, dung môi và clo.
- PCL phân hủy chậm hơn so với các polyester phân hủy sinh học khác trong điều kiện sinh lý bình thường.
- Đây là chất liệu không độc hại, khả năng tương thích tốt với nhiều polyme nên có thể pha trộn với những polyme khác.
Khi kết hợp với nhóm calcium phosphate, PCL có độ bám dính tốt, giúp tăng sinh tế bào diễn ra thuận lợi.
PCL – Chất liệu trong tạo hình thẩm mỹ tương lai
PCL vốn là một polymer kỵ nước, bán tinh thể với độ linh hoạt, dẻo dai tốt. Chất liệu này tạo thành một mạng lưới có thể hấp thụ tốt, dễ thao tác và có tốc độ phân hủy chậm thành H2O và CO2 (vô hại với cơ thể) trong khoảng 3~4 năm. Bởi những đặc điểm này mà PCL được một vài nơi sử dụng như là một loại chất liệu nhằm tạo hình hoặc thay thế sụn vách ngăn trong phẫu thuật nâng mũi cấu trúc.
Chất liệu PCL (trong các vật liệu tạo hình mũi mới như TnR mesh hay Osteopore) được tạo hình với công nghệ 3D Printing thành những mảnh ghép dạng lưới sợi và giống như giàn giáo sinh học có cấu trúc nhiều lỗ xốp nhỏ li ti.
Giàn giáo sinh học này được sản xuất bằng công nghệ in 3D, cho khả năng tối ưu hóa về hình dáng và độ bền, các cấu trúc lỗ xốp bên trong cũng được liên kết với nhau hoàn toàn chặt chẽ.
Nhờ vào đặc tính có cấu trúc lỗ xốp nhỏ li ti của mình, giàn giáo sinh học này cho phép các tế bào mô liên kết khỏe mạnh xung quanh khác xâm lấn từ từ vào trong các cấu trúc lỗ xốp này để giúp quá trình tái tạo của tế bào dễ dàng hơn.
Vốn là một polyester có khả năng hấp thu và tái tạo tế bào tốt, các giàn giáo PCL này được dùng làm implant thay thế cho sụn hoặc xương bị khiếm khuyết.
Chất liệu này tạo môi trường phát triển tối ưu, tăng khả năng tồn tại, phát triển cũng như tăng khả năng tái tạo các tế bào mô liên kết của cơ thể (nguyên bào sợi, cốt bào,…).
Đồng thời, PCL cũng tạo điều kiện cho oxy và chất dinh dưỡng đến nuôi dưỡng các tế bào này dễ dàng và trở thành giàn giáo để nuôi dưỡng tế bào.
Kết quả là sau một thời gian nhất định, PCL hỗ trợ tái tạo các vật liệu sinh học tự thân của cơ thể để hình thành nên các ma trận ngoại bào. Ví dụ như collagen tạo thành mạng lưới mô xơ sợi nâng đỡ các mô mềm, ß-TCP (beta-tricalcium phosphate) giải phóng các ion caxi để làm tăng quá trình tái tạo xương/sụn,…Từ đó, PCL đóng góp quan trọng vào quá trình tái tạo các tế bào bị tổn thương hay khiếm khuyết.
Với tính an toàn và là chất liệu có thể hấp thu thay thế, PCL (Polycaprolactone) được FDA công nhận là vật liệu tiêu được, được sử dụng làm implant trong cơ thể người với các ứng dụng đặc biệt,…
PCL ngoài là chất liệu trong tạo hình thẩm mỹ mũi thì nó còn được ứng dụng trong các lĩnh vực y tế khác.
Những ứng dụng khác của PCL trong y học
Người ta chú ý tới khả năng ứng dụng của PCL làm vật liệu sinh học vì trong môi trường sinh lý (ví dụ: trong cơ thể người) PCL có thể phân hủy bằng quá trình thuỷ phân liên kết ester. So với polylactic, PCL phân hủy chậm hơn nên có thể làm các bộ phận/thiết bị đưa vào trong cơ thể sống.
Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm của Hoa Kỳ (FDA) chứng nhận PCL có thể làm vật liệu dẫn thuốc hay chỉ khâu y tế cho con người.
Thay thế xương: xương đóng vai trò chịu lực cho cơ thể trong quá trình sinh hoạt và vận động. Những vết nứt hay gãy xương rất lâu lành và trong quá trình phục hồi thì xương chịu lực rất kém. Đối với đinh ốc hay nẹp bằng thép để cố định thì các thiết bị này sẽ bị loại bỏ đi sau một thời gian, khi đó dù xương đã lành nhưng vẫn còn rất yếu và nguy cơ bị gãy lần nữa rất cao. Sử dụng PCL sẽ làm cho vật liệu gắn kết với xương, ở trong xương lâu hơn. Cùng với đó, PCL sẽ bị thủy phân dần theo thời gian, làm cho xương có thời gian lành lâu hơn và củng cố độ chịu lực của xương cao hơn.
Phân phối thuốc trong cơ thể người: PCL được sử dụng như một thiết bị điều khiển quá trình phân phối thuốc trong cơ thể người. Ví dụ như cấy que tránh thai.
Sử dụng làm chỉ khâu tự tiêu: chỉ khâu truyền thống gây tốn kém về cả thời gian và tiền bạc cho bác sĩ lẫn bệnh nhân vì trong vòng 7-10 ngày sau khi khâu, bệnh nhân phải đến để lấy chỉ khâu ra. Nếu sử dụng chỉ khâu làm từ PCL thì việc này không còn cần thiết vì vật liệu nãy sẽ phân hủy theo thời gian và giúp tiết kiệm chi phí cũng như thời gian điều trị.
Nguồn :https://bsthantronghuyhoang.com/chat-lieu-pcl/