Sự kiện

PRP LÀ GÌ? ỨNG DỤNG CỦA CÔNG NGHỆ PRP

PRP là gì?

PRP viết tắt của Platelet Rich Plasma (có nghĩa là huyết tương giàu tiểu cầu).

Trong máu người bình thường chứa các thành phần gồm huyết tương, hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Trong đó chiếm tỉ lệ nhiều nhất là hồng cầu (93%), bạch cầu chiếm 1% và tiểu cầu chiếm 6%. Khi tách máu và huyết tương trong phòng thí nghiệm, ta sẽ thấy tiểu cầu lơ lửng trong huyết tương. Phần phía trên được gọi là huyết tương nghèo tiểu cầu PPP (Platelet Poor Plasma). Phần phía dưới gần với máu sẽ tập trung nhiều tiểu cầu hơn. Đó chính là PRP.

Huyết tương giàu tiểu cầu PRP này chứa một tỷ lệ tiểu cầu gấp từ ba đến bảy lần tỷ lệ trong máu bình thường (trong PRP có ít nhất là hơn một tỉ tiểu cầu trên micro lít máu). Các nhân tố phát triển có trong PRP có tác dụng cực kỳ hữu hiệu trong việc tái tạo, làm lành các tổ chức mô, cơ; đồng thời điều hòa và kích thích sản xuất collagen tự nhiên. PRP cũng giúp kích thích tế bào biểu mô, làm tế bào phát triển và thay mới nhanh hơn.

Công nghệ PRP là công nghệ lấy máu tự thân sau đó đem quay ly tâm để lấy ra lượng huyết tương giàu tiểu cầu và sử dụng huyết tương đó đưa ngược trở lại cơ thể, vào vùng cần được điều trị.

 

Mục đích

PRP có tác dụng to lớn trong việc làm trẻ hóa làn da và ngăn lão hóa với cơ chế hoạt động của mình. Khi PRP được tiêm vào cơ thể, chúng sẽ kích thích việc sinh ra tế bào mới, đồng thời kích thích chuỗi liên kết collagen, giúp gia tăng lượng hyaluronic acid giúp da mau hồi phục và trẻ hóa một cách hiệu quả nhất.

Ngoài ra, PRP còn được sử dụng trong lĩnh vực y tế cho các mục đích khác như điều trị vấn đề rụng tóc kinh niên, chấn thương dây chằng hoặc bệnh viêm xương khớp mãn tính.

 

Cơ chế hoạt động PRP

Phản ứng đầu tiên của cơ thể khi bị tổn thương mô là đưa tiểu cầu đến vùng bị thương đó. Tiểu cầu sẽ làm nhiệm vụ tái tạo và thu hút thêm các tế bào gốc để làm lành vết thương.

Để đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương, cần tập trung một lượng lớn các tiểu cầu với nồng độ cao hơn thông thường. Công nghệ PRP có khả năng chiết tách riêng tiểu cầu ra với các thành phần còn lại có trong máu như bạch cầu, hồng cầu.  Sau đó, tiểu cầu được đưa vào để kích hoạt nhằm phá vỡ cấu trúc bao bọc bên ngoài, lúc này các yếu tố tăng trưởng đạt mức nồng độ tối đa, và đồng thời giảm thiểu số lượng tế bào hồng cầu trước khi PRP được đưa vào sử dụng.

Sau khi được đưa vào cơ thể, dung dịch huyết tương giàu tiểu cầu này sẽ giải phóng hàng loạt các yếu tố tăng trưởng giúp tái tạo tế bào da và ngăn cản quá trình lão hóa.

 

Qui trình chiết tách và kích hoạt PRP

Để thực hiện chiết tách PRP, đầu tiên máu sẽ được rút ra từ khách hàng cho vào một kit có chứa chất chống đông. Sau đó, đưa bộ kit này vào máy ly tâm quay trong thời gian 5 phút để phân tách các thành phần có trong máu (hồng cầu, bạch cầu, huyết tương và tiểu cầu). Sau đó,lớp huyết tương giàu tiểu cầu – PRP sẽ được lấy ra và cho vào bộ kit mới. Nếu có bộ kích hoạt PRP Acvitator, chúng ta sẽ đưa vào máy để gia tăng nồng độ tiểu cầu lên gấp nhiều lần so với mức độ thông thường.

Khi tiểu cầu được hoạt hóa sẽ dẫn đến quá trình ly giải các hạt α của tiểu cầu, từ đó sản sinh ra nhiều loại protein có vai trò quan trọng  đối  với  quá  trình làm lành vết thương của cơ thể.

Quá trình tiêm PRP

Quá trình tiêm PRP thường diễn ra theo trình tự sau:

- Bác sỹ sẽ lấy mẫu máu của bạn để làm các xét nghiệm tổng thể xem bạn có phù hợp với phương pháp tiêm PRP hay không.

- Nếu phù hợp, bác sỹ sẽ tiếp tục lấy một lượng máu vừa đủ (khoảng 20ml) và đưa vào máy li tâm để tách lấy PRP có trong máu. Quá trình chiết tách như đã đề cập ở trên.

- Sau khi được lấy ra, huyết tương giàu tiểu cầu sẽ được chuyển vào ống tiêm để chuẩn bị cho quá trình tiêm vào da (hoặc vùng cơ thể cần điều trị).

- Các bác sỹ sẽ sử dụng phương pháp siêu âm để có thể tiêm chính xác vào vùng bị ảnh hưởng và cần điều trị. Thời gian tiêm sẽ mất khoảng 30 phút.

Ưu và nhược điểm của phương pháp PRP:

Ưu điểm:

An toàn cao do PRP được lấy từ chính máu của khách hàng nên không lo các vấn đề về lây nhiễm, kích ứng. Đồng thời, hiệu quả cải thiện đa tác dụng và dễ dàng nhận thấy ngay sau lần đầu tiên thực hiện.

Chính bởi vì tính linh hoạt, hiệu quả điều trị mang lại và mức độ an toàn cao, ít xảy ra phản ứng phụ nên PRP ngày càng được ứng dụng rộng rãi và được nhiều bác sĩ da liễu và khách hàng tin dùng.

Nhược điểm:

Việc tiêm PRP để làm đẹp sẽ gây ra những hệ quả như đau và sưng ở vùng tiêm, nhiễm khuẩn nếu dụng cụ không được vô khuẩn tuyệt đối.

Có thể gặp hiện tượng sốc phản vệ , tuy nhiên đây là trường hợp rất hiếm gặp, khi mà khách hàng bị phản ứng phụ với máu của chính mình.

Dễ hình thành máu đông nếu như trong quá trình chiết tách huyết tương giàu tiểu cầu có lẫn hồng cầu, hay những tổn thương mạch máu do kim tiêm. Nếu máu đông di chuyển đến các cơ quan khác trên cơ thể có thể dẫn đến các hiện tượng biến chứng, nếu không theo dõi kịp thời có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và có nguy cơ tử vong.

Lời bạt

PRP là một phương pháp tuyệt vời để ứng dụng điều trị các vấn đề về da. Tuy nhiên, cần có máy móc hiện đại để chiết tách và kích hoạt nồng độ tiểu cầu đạt mức cao nhất. Bên cạnh đó, đòi hỏi phải được hướng dẫn và thực hiện trực tiếp bởi bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm mới mang lại kết quả cao nhất.

- Nguồn tổng hợp -